Công ty cổ phần cà phê Thuận An: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương
- Published: Friday, 04 August 2023 07:34
- Hits: 575
Công ty cổ phần cà phê Thuận An được chuyển đổi từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cà phê Thuận An (doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông) vào tháng 7/2019. Thời gian qua, hoạt động của đơn vị luôn gắn bó, đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây, hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế -xã hội và an ninh quốc phòng vùng biên giới Thuận An - Đắk Mil, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn chiến lược khu vực Tây Nguyên.
“Nở hoa” trên đất khó
Từ bao đời nay, cà phê luôn là cây trồng chủ lực của khu vực Tây Nguyên, song những năm gần đây, việc canh tác cà phê đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai… ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng cà phê trong vùng. Nhận diện được khó khăn trên, Công ty Thuận An luôn chú trọng đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) để khắc phục khó khăn do thời tiết cực đoan bị tác động bởi biến đổi khí hậu; thực hiện nghiêm quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất cà phê sạch, an toàn, chất lượng cao. Trong đó đáng chú ý là Dự án trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ngắn ngày được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số Dự án 6324738768 ngày 2/7/2020 và Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 13/5/2020. Dự án đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và đúng mục tiêu là “Trồng cây cà phê, trồng cây hàng năm, thúc đẩy kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”; Biên bản làm việc ngày 23/6/2022 của các phòng ban chuyên môn huyện Đắk Mil; Biên bản ngày 13/10/2022 của Sở NN&PTNT; Báo cáo số 2894/SKH-KTĐN ngày 5/12/2022 của Sở KH&ĐT và được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Đắk Mil tại Quyết định số 2072/QĐ-UBND ngày 9/12/2022.
ới mục tiêu trở thành một trong những Công ty cà phê đầu tàu của tỉnh Đắk Nông trong phát triển cà phê đặc sản theo Quyết định số 1392/QĐ-BNN-TT ngày 2/4/2021 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch số 458/KH-UBND ngày 11/8/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, hướng tới xây dựng thương hiệu “Cà phê đặc sản Thuận An”, tháng 7/2023, Công ty đã trồng được 127,24 ha, diện tích còn lại sẽ trồng cà phê đa thân trong các năm 2024, 2025, 2026, sau khi hoàn thành việc cải tạo đất theo quy định tái canh cà phê do Bộ NN&PTNT quy định và khuyến cáo của Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Tây Nguyên (qua các mẫu test đất), đồng thời, đăng ký mô hình nông nghiệp công nghệ cao “Canh tác cà phê đa thân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt NETAFIM-ISRAEL”. Bên cạnh đó, Công ty đang thiết kế vườn cây cà phê theo mô hình cà phê cảnh quan bền vững, cà phê được chăm sóc, canh tác theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thu hái chín đạt 90 - 100% và gắn với phát triển du lịch nông nghiệp; diện tích các loại đất khác thực hiện đúng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Hiện Công ty đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế cho địa phương đúng thời gian quy định.
Đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn
Cùng với đẩy mạnh phát triển cây trồng theo hướng bền vững, Công ty Thuận An cũng luôn quan tâm, chú trọng đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương trong công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Cụ thể, Công ty đã góp phần giải quyết tốt vấn đề việc làm, đảm bảo thu nhập bình quân cho người lao động từ 6,5 - 7 triệu đồng/tháng, các khoản phúc lợi, chế độ bảo hiểm cho người lao động… cũng được thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm.
Đặc biệt, Công ty ưu tiên tuyển dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm công nhân sản xuất. Đến nay, Công ty đã ký hợp đồng lao động chính thức cho gần 20 lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; giải quyết việc làm thường xuyên cho từ 100 - 150 lao động, nhất là lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ của 2 bon Sapa, Bu Đắk xã Thuận An, với mức thu nhập bình quân 350.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, vào dịp năm học mới, Công ty dành tặng 100 bộ sách giáo khoa mới, 2.000 cuốn vở cùng nhiều dụng cụ học tập khác cho con em đồng bào dân tộc 2 bon Sapa, Bu Đắk; hàng năm, tặng 150 suất quà Tết cho người nghèo (trị giá 400.000 đồng/suất), tặng quà nhân dịp Lễ Giáng sinh cho nhiều trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số gặp hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, tham gia tích cực trong việc đóng góp Quỹ khuyến học, Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương từ 20 - 30 triệu đồng/năm; hỗ trợ bắn pháo hoa 50 triệu đồng; kêu gọi Tập đoàn T&T hỗ trợ kinh phí 300 triệu đồng và 3.000 bộ kít test xét nghiệm Covid-19 cho UBND huyện Đắk Mil, 500 triệu đồng cho đồng bào nghèo của huyện.
Ngoài ra, để hạn chế ảnh hưởng tới sức khỏe, rau màu của người dân khu vực liền kề, mỗi lần phun thuốc, Công ty đều thông báo trước cho Ban Tự quản thôn Thuận Hòa, Thuận Sơn và các hộ dân liền kề biết để không sử dụng rau màu trồng ven đường biên đất của Công ty và tiến hành phun máy bay cách bờ ranh khu vực liền kề dân cư, vườn cây của hộ dân với khoảng cách 50 m, cho máy bay phun tầng thấp để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, khuếch tán thuốc bảo vệ thực vật. Loại thuốc bảo vệ thực vật mà Công ty đang sử dụng đều nằm trong Danh mục thuốc cho phép theo Thông tư số 19/2022/TT-BNNPTNT ngày 2/12/2022 của Bộ NN&PTNT và ưu tiên sử dụng những hoạt chất sinh học để phun cho cây trồng.
Định hướng của Công ty cổ phần cà phê Thuận An trong năm 2023 và những năm tiếp theo là tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với phát triển kinh tế địa phương, luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp cũng như bà con nhân dân. Để làm được điều đó, Công ty đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhất các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như môi trường sống của người dân khu vực lân cận.
Nguồn: http://tapchimoitruong.vn/moi-truong-va-doanh-nghiep-59/cong-ty-co-phan-ca-phe-thuan-an-chu-trong-cong-tac-bao-ve-moi-truong-gan-voi-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te--xa-hoi-dia-phuong-28847